GS.TSKH. Dương Quý Sỹ – Đào tạo liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân: Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp
(CSPLO) – Xuất phát từ nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và nhu cầu học tập suốt đời; các giải pháp chính sách triển khai thực hiện liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm nhu cầu và sự chọn lựa của người học, hạn chế sự lãng phí thời gian và tốn kém của gia đình, cộng đồng và xã hội đầu tư cho giáo dục; bảo đảm tính thống nhất, liên tục trong quá trình giáo dục hình thành năng lực và phẩm chất của nguồn lực lao động sau giáo dục phổ thông từ bậc đào tạo cơ bản ban đầu của giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học và sau đại học.
Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL họp thường kỳ dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà – Chủ tịch Hội đồng và Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn – Phó Chủ tịch Hội đồng.
Yêu cầu khách quan và thực tiễn của việc đào tạo liên thông trong giáo dục
Trước năm 2017, liên thông trong giáo dục được thực hiện chủ yếu trong đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, trung cấp hoặc cao đẳng lên đại học theo các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT), quy định tại Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT về “Quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học” và Thông tư số 08/2015/TT-BGDĐT về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học ban hành kèm theo Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT”. Trong giai đoạn này, liên thông trong giáo dục tập trung chủ yếu là đào tạo liên thông lên bậc cao hơn trong cùng một ngành học như đã được quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Thông tư 55/TT-BGDĐT “Đào tạo liên thông là biện pháp tổ chức đào tạo trong đó người học được sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở trình độ cao hơn cùng ngành đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo hay trình độ đào tạo khác” và “Tạo cơ hội học tập cho người học và phát triển ngành, nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong đào tạo và đảm bảo công bằng trong giáo dục”. Trong giai đoạn này Bộ GDĐT vẫn còn là cơ quan chủ quản của các trường trung cấp và cao đẳng chuyên ngành, Bộ LĐTBXH là cơ quan chủ quản các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; do vậy việc liên thông trong cùng hệ thống tương đối dễ dàng vì một số trường đại học lúc này thực hiện việc đào tạo các bậc học khác nhau từ trung cấp, cao đẳng đến đại học; tuy nhiên việc bảo đảm chất lượng trong đào tạo liên thông trong giai đoạn này chưa được thực hiện chặt chẽ.
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ – Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL, PGS.TS. Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng Hội đồng và TS. Trương Anh Dũng – Tổng cục Trưởng Tổng cục GDNN chủ trì Hội thảo Bảo đảm chất lượng GDNN (tháng 11/2023).
Kể từ năm 2017, thực hiện Luật Giáo dục Nghề nghiệp (Luật số 74/2014/QH13), quy định“Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/2016/NQ-CP ngày 03/9/2016, thống nhất giao Bộ LĐTBXH quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và Bộ GDĐT có nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đại học (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) và giáo dục nghề nghiệp khối sư phạm. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, đào tạo liên thông trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được thực hiện theo Điều 9 của Luật giáo dục nghề nghiệp (Luật số 74/2014/QH13), quy định cụ thể “Liên thông trong đào tạo được thực hiện căn cứ vào chương trình đào tạo; người học khi chuyển từ trình độ đào tạo thấp lên trình độ đào tạo cao hơn cùng ngành, nghề hoặc khi chuyển sang học ngành, nghề khác thì không phải học lại những nội dung đã học” và “Liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương; liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”. Trong giai đoạn này, việc đào tạo liên thông trong giáo dục đại học được thực hiện theo Quyết định số 18/2017/QĐ-CP ngày 31/5/2017 của Chính phủ “Quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học”.
Ngày 14 tháng 6 năm 2019, Luật Giáo dục (Luật 43/2019/QH14) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, quy định (Điều 10):“Liên thông trong giáo dục là việc sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành, nghề đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành, nghề đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”; “Việc liên thông trong giáo dục phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng. Chương trình giáo dục được thiết kế theo hướng kế thừa, tích hợp kiến thức và kỹ năng dựa trên chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Người học không phải học lại kiến thức và kỹ năng đã tích lũy ở các chương trình giáo dục trước đó”; “Chính phủ quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Do vậy, sự cần thiết phải có những quy định chung về đào tạo liên thông giữa các bậc học thực hiện theo Luật Giáo dục 2019 và dựa trên Khung trình độ quốc gia Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 18/10/2016) là cần thiết và phù hợp với những yêu cầu mới trong định hướng phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn nhân lực được đào tạo liên tục, đáp ứng được năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của vị trí công việc.
Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện liên thông trong giáo dục hiện nay
Những khó khăn vướng mắc trong thực hiện liên thông trong giáo dục hiện nay tập trung chủ yếu việc đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 và Luật Giáo dục 2019.
- Do chưa có sự thống nhất trong việc xây dựng khung chương trình chung giữa các trình độ đào tạo trung cấp (bậc 4 trong khung trình độ quốc gia) và cao đẳng (bậc 5) liên thông lên trình độ đại học (bậc 6), thậm chí cả từ trung cấp lên cao đẳng nên người học hầu như phải học lại toàn bộ nội dung chương trình bậc cao hơn với gần như cùng thời gian. Điều này do bởi phần lớn các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình theo chuẩn đầu ra dựa trên bậc học hay trình độ đào tạo như trước đây và chưa tính đến việc liên thông theo đúng yêu cầu về chương trình giáo dục như đã được quy định tại Khoản 2 – Điều 8 của Luật Giáo dục 2019: “Chương trình giáo dục phải bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; kế thừa, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; tạo điều kiện cho phân luồng, chuyển đổi giữa các trình độ đào tạo, ngành đào tạo và hình thức giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân…”.
- Sự khác biệt về nội dung và thời lượng môn học và thậm chí khác biệt cả về phương thức tổ chức dạy và học, hình thức lượng giá càng làm cho việc liên thông lên bậc cao hơn lại càng khó thực hiện hơn. Do vậy đa số các trường chỉ thực hiện liên thông cho cùng một ngành nghề đào tạo và tổ chức thực hiện dưới hình thức vừa học vừa làm (VHVL) và chỉ xem xét liên thông một số môn học chung giữa các các ngành học trong cùng một bậc đào tạo.
- Chưa có sự gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trong việc xây dựng khung chương trình theo tín chỉ hoặc mô-đun từ các bậc đào tạo sơ cấp (bậc 1, bậc 2 và bậc 3), trung cấp (bậc 4), cao đẳng (bậc 5) và đại học (bậc 6); điều này do bởi các cơ sở GDNN và giáo dục đại học chịu sự quản lý của 2 cơ quan chủ quản khác nhau là Bộ LĐTBXH và Bộ GDĐT nên việc xây dựng khung chương trình các bậc học thực hiện theo hướng dẫn của 2 đơn vị khác nhau là Tổng cục GDNN và Vụ Đại học, mỗi cơ quan chủ quản khi xây dựng khung chương trình giáo dục thì không tính đến sự liên thông của các bậc đào tạo do vậy thiếu sự gắn kết, tính liên tục và kế thừa như là của chương trình giáo dục phổ thông các cấp.
- Đào tạo liên thông hiện nay chủ yếu thu hút người học thuộc 2 lĩnh vực giáo dục và y tế vì theo yêu cầu vị trí việc làm hiện nay, các đối tượng tốt nghiệp trung sơ cấp và trung cấp không còn vị trí việc làm đối với ngành y tế và giáo viên mầm non theo quy định hiện hành. Do thiếu độ mở của chương trình GDNN mang tính liên thông lên bậc cao hơn theo khối ngành mà chỉ thu hẹp trong nhóm ngành nên chương trình giáo dục chưa mang tính liên thông cao và độ mở rộng tạo điều kiện cho người học có nhiều chọn lựa và chuyển đổi liên thông cùng bậc hoặc bậc cao hơn, nên rất khó khăn. Đây cũng là điểm nghẽn trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế theo xu hướng toàn cầu hóa.
- Đặc biệt độ mở của tính liên thông không cao và chỉ duy trì liên thông hạn hẹp trong cùng một nhóm ngành cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ thất nghiệp cho những đối tượng người học chưa được nhà trường và gia đình hướng nghiệp, phân luồng hợp lý trong quá trình học phổ thông các cấp và luôn theo xu hướng phổ cập bằng cấp đại học vì hiện nay đa số các trường đại học tăng cường thu hút đầu vào dưới mọi hình thức kể cả xét tuyển học bạ tương tự như các các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tăng nguồn thu theo cơ chế tự chủ tài chính, đánh vào tâm lý chuộng bằng cấp của các thế hệ gia đình người Việt Nam, gây khủng hoảng trong phân luồng giáo dục nghề nghiệp so với giáo dục đại học, tạo rào cản cho chương trình giáo dục liên thông và làm tăng tỷ lệ những người thất nghiệp có bằng cấp; hệ quả là gây lãng phí thời gian của người học, lãng phí nguồn lực tài chính của gia đình, cộng đồng và xã hội.
- Sự thiếu chủ động của các cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học và các cơ quan chủ quản trong việc xây dựng chương trình liên thông theo hướng mở, linh hoạt theo yêu cầu của Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 vì chưa có Nghị định hướng dẫn của Chính phủ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tính liên thông của chương trình giáo dục theo khung chương trình quốc gia 8 bậc và việc đào tạo liên thông chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong tình hình mới, đòi hỏi tính thích ứng cao của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ, PGS.TS. Lưu Bích Ngọc và TS. Lê Đông Phương tặng quà hỗ trợ khoan giếng nước cho Trường Mầm non Dân tộc Hồng Thu, Huyện Sìn Hồ – Lai Châu.
Những giải pháp đề xuất bảo đảm tính liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân
Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông các cấp, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên. Do vậy khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm triển khai nội dung liên thông trong chương trình giáo dục quốc dân và đào tạo liên thông cần phải dựa trên từng nội dung cụ thể của Luật Giáo dục 2019, đặc biệt là Khoản 2 – Điều 8 (Chương trình giáo dục) và Điều 10 (Liên thông trong giáo dục).
- Cần phải xây dựng các chương trình giáo dục có tính kế thừa, tích lũy theo Quyết định 1982/QĐ/TTg từ bậc 1 (sơ cấp 1, 5 tín chỉ), bậc 2 (sơ cấp 2, 15 tín chỉ), bậc 3 (sơ cấp 3, 25 tín chỉ), bậc 4 (trung cấp), bậc 5 (cao đẳng), bậc 6 (đại học). Chương trình giáo dục sơ cấp có thể duy trì ở phương thức tín chỉ hoặc mô-đun vừa bảo đảm sự hình thành chuẩn năng lực cho người học, vừa bảo đảm cho người học có cơ hội được tiếp tục học liên thông lên bậc học cao hơn trong suốt quá trình hoạt động nghề nghiệp và bảo đảm tinh thần học tập suốt đời; đây cũng là yêu cầu cần thiết của đòi hỏi ngày càng cao của vị trí việc làm theo xu hướng vận động và phát triển của đất nước và toàn cầu. Như vậy với các tín chỉ hoặc mô-đun đã được tích lũy, người học có thể đăng ký học liên thông khi đủ điều kiện yêu cầu đầu vào theo quy định và chỉ học bổ sung những tín chỉ, mô-đun chưa học, giúp tiết kiệm thời gian cho việc học lại những nội dung đã học và cũng giúp giảm chi phí đào tạo.
- Cần phải xây dựng khung chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học có độ mở cao theo khối ngành rộng như trong tuyển sinh đại học như mô hình một số nước tiên tiến; đây có thể xem là giai đoạn chuyển tiếp trong phân luồng – hướng nghiệp đào tạo liên thông sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông hay giáo dục thường xuyên. Việc xây dựng khung chương trình có độ mở cao sẽ giúp cho người học liên thông có nhiều chọn lựa trong liên thông cùng bậc (liên thông ngang) hoặc liên thông lên bậc cao hơn (liên thông lên) với một ngành học mới, hạn chế việc phải học thêm một bằng đại học (văn bàng 2) vì thiếu tính liên thông và độ mở hẹp của chương trình giáo dục, ngoại trừ một ngành nghề hoàn toàn mới ngoài khối ngành liên thông. Ngược lại, người học khi tốt nghiệp đại học thì vẫn có thể đăng ký được công nhận các bằng cấp đào tạo cấp thấp hơn trong cùng nhóm ngành (trung cấp, cao đẳng nghề) theo đòi hỏi và yêu cầu của vị trí việc làm đặc thù (liên thông xuống), hoặc chỉ cần học bổ sung thêm các tín chỉ, mô-đun ngoài khối ngành.
- Cần phải có quy định cụ thể về sự liên thông chứng chỉ, mô-đun trong chương trình giáo dục quốc dân trong việc xây dựng các Nghị định của Chính phủ khi triển khai Điều 10 về “Liên thông trong giáo dục”của Luật Giáo dục 2019; sự phân công trách nhiệm cho các Bộ chủ quản (Bộ LĐTBXH, Bộ GDĐT) trong việc hợp nhất – thống nhất khung chương trình giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học hiện nay vào khung chương trình quốc gia 8 bậc, nhằm tạo ra một nguồn nhân lực mang tính liên thông theo hướng chất lượng cao, thích ứng với nhu cầu thị trường nguồn nhân lực, bảo đảm tính phù hợp trong cơ cấu nguồn nhân lực và linh hoạt theo một chuẩn thống nhất về năng lực và phẩm chất với cùng một trình độ đào tạo.
- Các cơ sở giáo dục, gia đình, cộng đồng và các cơ quan chủ quản cần phải quyết liệt hơn với sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao trong phân luồng trong giáo dục từ giáo dục phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, đến tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đặc biệt cần phải thực hiện nội dung của Chỉ thị 21/CT-TW của Ban Bí thư ngày 04/5/2023 “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 – 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động. Việc tăng cường phân luồng trong giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần của Luật Giáo dục và của Chỉ thị 21/CT-TW sẽ giúp tái cấu trúc lại sự mất cân đối trong phân bổ nguồn nhân lực theo bậc đào tạo hiện nay (tháp nhân lực các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và sơ cấp bị đảo ngược), giúp hạn chế tỷ lệ thất nghiệp sau đào tạo, đặc biệt là tỷ lệ cử nhân thất nghiệp; giúp tăng năng suất và hiệu suất của nguồn nhân lực vì bảo đảm tính thống nhất và liên thông theo chuẩn năng lực và tay nghề sau đào tạo.
- Cần phải chú trọng hơn nữa việc đào tạo liên thông trong hệ thống giáo dục thường xuyên và chương trình giáo dục đặc thù cho đối tượng yếu thế, đào tạo liên thông cho người học là đồng bào dân tộc. Các yêu cầu đầu vào trong đào tạo liên thông cho các đối tượng yếu thế và đặc thù cần phải được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm cơ hội cho những đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù được tiếp cận với đào tạo liên thông, bình đẳng trong giáo dục đào tạo, phù hợp với điều kiện tinh thần và thể chất, nền tảng văn hóa dân tộc và sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng và xã hội.
Khái quát hóa về mô hình đào tạo liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân dựa trên khung trình độ quốc gia 8 bậc ban hành theo Quyết định 1982/QĐ-TTg, ngày 18/10/2016.
Tóm lại, liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân là một yêu cầu thực tiễn hiện nay và đã được quy định trong Luật Giáo dục 2019 (Luật 43/2019/QH14). Do vậy việc thể chế hóa quy định liên thông trong giáo dục thông qua các Nghị định của Chính phủ, đặc biệt nhất là trong đào tạo liên thông từ chương trình giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học và sau đại học là rất cần thiết. Đây sẽ là đòn bẩy giúp cho việc phân luồng trong giáo dục nghề nghiệp trở nên hiệu quả hơn, giúp tạo ra được nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu và nhu cầu của thị trường sức lao động, giúp giảm thiểu nguy cơ tỷ lệ người thất nghiệp có bậc đào tạo cao, tránh lãng phí thời gian của người học, tiết kiệm nguồn lực tài chính của người học, của gia đình và toàn xã hội trong đầu tư cho giáo dục đào tạo và thực hiện chủ trương xã hội học tập và học tập suốt đời.
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ – Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển Nhân lực; Phó Trưởng Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp; Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE)
Nguồn: //www.chinhsachphapluat.vn/dao-tao-lien-thong-trong-he-thong-giao-duc-quoc-dan-nhung-kho-khan-vuong-mac-va-giai-phap/
//phapluatvanhoa.com.vn/doi-song/dao-tao-lien-thong-trong-he-thong-giao-duc-quoc-dan-nhung-kho-khan-vuong-mac-va-giai-phap/
- //ttstv.vn/dao-tao-lien-thong-trong-he-thong-giao-duc-quoc-dan-nhung-kho-khan-vuong-mac-va-giai-phap/