Trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là “trí tuệ nhân tạo” (AI: artificial intelligence) trong lĩnh vực y học là rất cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe. Trí tuệ nhân tạo hiện nay đã được bắt đầu triển khai trong các hoạt động y học từ y học dự phòng, đến y học lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị một số vấn đề sức khỏe ở một số nước có nền khoa học công nghệ và y học tiên tiến. Đặc biệt là với tốc độ phát triển hiện nay của khoa học công nghệ, sự phổ biến của các thế hệ máy tính lượng tử trong tương lai rất gần trong một thập kỷ tới, sẽ góp phần làm gia tăng sức mạnh vượt trội của các “bác sĩ AI” (bác sĩ trí tuệ nhân tạo, bác sĩ điện toán), sẽ giúp cho việc giải quyết các vấn đề sức khỏe vượt khỏi năng lực giới hạn của “bác sĩ chuyên ngành” (bác sĩ con người) một cách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên cũng vẫn có khoảng cách đáng kể giữa “bác sĩ AI” trong tương lai trong việc hình thành các năng lực về «đồng cảm» và «trí tưởng tượng sáng tạo», vì đây là những thuộc tính năng lực đặc thù chỉ có của “bác sĩ chuyên ngành”. Ngược lại, với khả năng “tự học sâu” của bác sĩ AI dựa trên nguồn cơ sở “dữ liệu lớn” đã tạo nên một năng lực vượt trội của “bác sĩ AI” về vận dụng kiến thức y học mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Do vậy, các “bác sĩ AI” hiện nay cũng đã được các nước tiên tiến triển khai ứng ngành trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư và các bệnh lý chuyên khoa.
Trong lĩnh vực bệnh tim mạch, việc ứng dụng “trí tuệ nhân tạo” vào lâm sàng đã tạo sự đột phá thông qua các chương trình “học máy” hỗ trợ chẩn đoán đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc mạch máu; nhằm giúp xác định chẩn đoán tổn thương giai đoạn sớm, nhằm đề xuất phương thức can thiệp cho bác sĩ chuyên ngành, giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán và chẩn đoán với độ chính xác cao nhất, hạn chế tổn thương tiến triển. Các chương trình AI cũng giúp phát các bác sĩ chuyên ngành phát hiện sớm các nguy cơ tim mạch, dấu hiệu suy giảm chức năng các buồng tim, dự đoán tình trạng suy tim, nguy cơ rối loạn nhịp tim thông qua các phương thức phân tích dữ liệu trắc lượng thư mục (bibliometric), dựa vào các cảm biến dữ liệu sinh trắc học thu thập, được tích hợp trong các dụng cụ đeo trên cơ thể, thiết bị theo dõi chức năng sinh tồn cá nhân, hay thậm chí được tích hợp trong các cảm biến gối ngủ, giường ngủ thông minh…
Tóm lại, trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống, đặc biệt trong y học đã mở ra một triển vọng mới trong việc nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Việc tận dụng những thành tựu khoa học công nghệ nhằm phát triển “bác sĩ AI”có những năng lực vô hạn về tri thức và khả năng “tự học sâu”, song hành cùng với những khả năng đặc thù của “bác sĩ con người” về “năng lực đồng cảm” và “trí tưởng tượng sáng tạo” sẽ làm cho nền y học hiện đại phát triển một cách tột bậc, góp phần năng cao năng lực dự phòng, chẩn đoán và điều trị của hệ thống y tế toàn cầu. Tại Việt Nam, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y học vẫn chưa được phát triển so với một số nước trong khu vực. Do vậy, việc nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong đội ngũ cán bộ y tế nước nhà, nhất là năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo và làm chủ trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân là rất cần thiết.