xổ số kiếm tiền tại nhà
(CĐYT LĐ) đã nghiên cứu bào chế các sản phẩm từ dược liệu lợi thế của địa phương thành công, hiện đã xây dựng hoàn thành quy trình sản xuất 4 sản phẩm: Trà túi lọc Húng chanh, Siro ho Húng chanh, Trà an thần, Trà lá đắng và đang nghiên cứu bào chế Trà cai thuốc lá.
DSCKI Tăng Lê Quỳnh Trinh – Phó trưởng Khoa Dược – Trường CĐYT Lâm Đồng đang trao đổi với Hiệu trưởng – GS-TSKH Dương Quý Sỹ về các sản phẩm được bào chế từ thảo dược địa phương. Ảnh: D. Hiền |
Chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu này là GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ – Hiệu trưởng Trường CĐYT LĐ, thực hiện là DSCKI Tăng Lê Quỳnh Trinh và tập thể Khoa Dược của trường.
DSCKI Tăng Lê Quỳnh Trinh – Phó Trưởng Khoa Dược cho biết: Chúng tôi đã thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình bào chế Trà túi lọc lá Húng chanh và khảo sát tác dụng dược lý của chế phẩm”. Đến nay, đề tài đã thực hiện được các mục tiêu ban đầu đặt ra sau một thời gian thực nghiệm: Xây dựng hoàn chỉnh quy trình kiểm nghiệm các nguyên liệu sử dụng trong chế phẩm Trà túi lọc Húng chanh; xây dựng hoàn chỉnh quy trình bào chế Trà túi lọc Húng chanh; đánh giá tác dụng dược lý của chế phẩm ở 3 giai đoạn đầu để đưa ra sản xuất và phân phối rộng rãi trên thị trường ở dạng thực phẩm đạt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, hỗ trợ điều trị các chứng bệnh thường gặp về hô hấp.
Theo GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ – chủ nhiệm đề tài, công trình nghiên cứu này đã được đăng trên Tạp chí Khoa học Dược Quốc tế vào tháng 3/2017, có thể tóm tắt đề tài như sau: Húng chanh tên khoa học là Folium Plectranthii amboinicii (L.) Speng – Lamiaceae, là loại thực vật được người dân Việt Nam dùng để ăn và điều trị một số bệnh. Mục tiêu nghiên cứu này được thiết kế để định lượng sự khai thác dầu của lá Húng chanh ở các vùng và mùa khác nhau ở miền Nam Việt Nam và các đặc tính chống vi trùng và chống oxy hóa. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, lá Húng chanh thu hoạch từ thành phố Đà Lạt, có lượng chiết xuất dầu cao nhất vào tháng 3 và thấp nhất trong tháng 6 (1,20 ± 0,06 so với 0,68 ± 0,03 ml/kg). Trong số các hợp chất dầu chiết xuất, tỷ lệ p-cymen và carvacrol là cao nhất (lần lượt là 23,3% và 55,3%). Có sự khác biệt giữa nồng độ p-cymen và carvacrol lá Húng chanh thu hoạch ở thành phố Đà Lạt và các vùng khác. Dầu lá Húng chanh có tác dụng kháng khuẩn chống lại Staphylococcus aureus, Escherichia Coli, BacillusSubtilis và tác dụng chống nấm đối với Candidaalbicans. Ngoài ra, với nồng độ cao, hoạt tính chống oxy hóa của lá Húng chanh tương tự như BTH (butyl hydroxyl toluene). Nghiên cứu đi đến kết luận: Hợp chất dầu và hiệu quả y học của lá Húng chanh được thay đổi theo vùng địa lý và mùa thu hoạch. Hoạt chất này có thể được sử dụng như một loại thuốc do tác dụng kháng khuẩn và chống oxy hóa. Hiện nay, Trường CĐYT Lâm Đồng đã thành công trong việc bào chế ra trà Húng chanh và Siro Húng chanh có hoạt tính chữa ho, giải cảm và chống viêm nhiễm đường hố hấp ở trẻ em và người.
DSCKI Tăng Lê Quỳnh Trinh (sinh năm 1970) đã có 10 năm công tác tại Khoa Dược của Trường CĐYT LĐ, trước đó, chị công tác tại Khoa Dược của Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng. Có kinh nghiệm và niềm đam mê trong lĩnh vực này, năm 2014, chị hoàn thành chương trình đào tạo DSCKI chuyên ngành dược liệu với đề tài nghiên cứu: “Khảo sát thành phần hóa học và tác dụng dược lý của cây Húng chanh” tại Trường Đại học Y Dược TP HCM, đề tài được đánh giá xuất sắc.
Với những sản phẩm nghiên cứu thành công tại Trường CĐYT LĐ, dược sĩ Trinh cho biết, từ ý tưởng đến ra đời một sản phẩm dược liệu phải mất 3 năm nghiên cứu. Chẳng hạn như với sản phẩm Trà túi lọc Húng chanh, nhóm nghiên cứu chúng tôi trải qua 3 giai đoạn nghiên cứu: Khởi đầu là khảo sát thành phần hóa học trong lá Húng chanh tại Việt Nam và Đà Lạt (từ năm 2012-2013), xây dựng quy trình khảo nghiệm và bào chế Trà túi lọc Húng chanh (từ năm 2013-2014), đánh giá tác dụng dược lý và hoàn chỉnh quy trình bào chế của Trà túi lọc Húng chanh (từ năm 2014-2015).
Điều thú vị là những dược liệu để nghiên cứu bào chế các sản phẩm tại Trường CĐYT LĐ đều do các y sinh của trường trồng, thu hái từ gia đình mang tới. Các giảng viên Khoa Dược cũng đã hướng dẫn cho các y sinh tiếp cận với nghiên cứu khoa học thông qua thực tiễn hoạt động giảng dạy.
Khi học về trồng trọt, thu hái, chế biến dược liệu, các sinh viên được hướng dẫn thực hành và làm ra các sản phẩm hoàn chỉnh. Trong đó, đề tài do giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hiện về “Khảo sát thực vật học, nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng kháng ô xy hóa của cây Viễn chí” của sinh viên Trường CĐYT LĐ đoạt giải Nhất tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học Cụm thi đua các trường đại học, cao đẳng Lâm Đồng năm 2016. Sản phẩm Trà an thần được bào chế từ các dược liệu không ngờ đến như: lá Chanh dây – thứ mà nông dân bỏ đi chỉ thu hoạch lấy trái và lá cây Vông nem – loài cây mọc tự nhiên rất nhiều ở Lâm Đồng.
Hiện nay, Trường CĐYT LĐ đang nghiên cứu “Xây dựng quy trình kiểm nghiệm nguồn nguyên liệu và bào chế Trà túi lọc Lạc Tiên và đánh giá tác động của chế phẩm trên giấc ngủ”. Mục tiêu của đề tài nhằm đáp ứng 2 vấn đề sau: Nghiên cứu phát triển thuốc điều trị một số chứng bệnh thông thường từ nguồn dược liệu địa phương sẵn có, ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại vào chẩn đoán và điều trị bệnh rối loạn giấc ngủ do môi trường sống gây nên. Đồng thời, phát triển, quy hoạch vùng trồng cây dùng làm thuốc có sẵn tại địa phương để tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế từ những loại cây thảo dược phổ biến, tận dụng các vùng đất trống.
Dược sĩ Trinh cho biết: Ngoài lá Chanh dây Đà Lạt (Passiflora incarnata) và lá Vông nem (Erythrina variegata), trong nghiên cứu này chúng tôi còn phối hợp với lá Dâu tằm, Tâm sen và lá Tre cùng một số dược liệu khác có tác dụng điều hương, điều vị như Cỏ ngọt. Đề tài tập trung nghiên cứu bào chế ra sản phẩm Trà túi lọc từ các thực vật có sẵn tại địa phương dùng cải thiện giấc ngủ, giảm tình trạng stress và ngăn ngừa các tác nhân oxy hóa có thể gây ra những chứng bệnh nghiêm trọng như ung thư. Sau khi nghiên cứu thành công quy trình sản xuất bao gồm cả các tiêu chuẩn kiểm định, nhóm nghiên cứu chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá tác dụng dược lý của chế phẩm trên bệnh nhân tình nguyện bằng phương pháp đo đa ký giấc ngủ.
Hiện nay, các sản phẩm từ dược liệu được nghiên cứu bào chế thành công của Trường CĐYT LĐ chỉ được lưu hành nội bộ. Trong tương lai, sẽ thành lập xưởng trường để thúc đẩy nghiên cứu, bào chế các sản phẩm từ dược liệu và hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết đủ tư cách pháp nhân để đưa các sản phẩm hoàn thiện lưu hành ra thị trường phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Nguồn từ baolamdong.vn